Tiếng Anh là một ngoại ngữ quan trọng mà ai trong chúng ta đều tìm cách tiếp cận nó, có thể là vì công việc, vì kiến thức cần được bổ sung hay chỉ vì một thú vui, giải trí… Tuy nhiên, không phải ai cũng cảm thấy việc học Tiếng Anh là điều dễ dàng cả. Trong thời gian giảng dạy của mình, tôi đã được nhiều em học sinh tâm sự rằng các em rất thích học Tiếng Anh nhưng hiệu quả việc học tập các em đem lại không như ý muốn. Điều này có thể có nhiều lý do khác nhau, có thể bạn không có khiếu ngoại ngữ, hoặc bạn không có được một trí nhớ tốt, nhưng theo tôi, lý do quan trọng mà chúng ta ít để ý đến, đó là “bí quyết” để tiếp cận và tiếp thu các kiến thức mình học được một cách hiệu quả. Sau đây, tôi xin giới thiệu đến các bạn một số phương pháp để việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn.
1. Về từ vựng: Nếu ai đó nghĩ rằng mình nên thuộc từ vựng trong tự điển càng nhiều càng tốt thì đây quả là một yếu sách. Bản thân tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng đã vấp phải lỗi như vậy. Sau một mùa hay say sưa với việc luyện từ của mình, tôi đã nhận ra mình chỉ còn nhớ một vài từ quen thuộc. Vì sao vậy? Nguyên tắc học từ vựng phổ biến là học trong cụm từ trong câu, tránh học từ chết. Các từ vựng dù bạn có học thuộc nó kỹ thế nào, nó cũng chỉ tồn tại trong trí nhớ bạn không lâu, vì thế, bạn nên học từ sau khi đọc đoạn văn và rút ra được ngữ cảnh cũng như cách sử dụng của từ đó, đồng thời chúng ta cần chú ý đến cách phát âm chuẩn các từ ta học vì nó còn liên quan đến các kỹ năng nghe, nói nữa. Để nhớ được từ vựng thì không có cách nào hiệu quả bằng cách sử dụng chúng, hãy dùng những từ vừa mới học vào khi tập nói hay khi tập viết đoạn văn. Chúng ta nên dùng giấy stick, dán một số từ vựng mình vừa học được ở nơi dễ thấy nhất để được ôn luyện thường xuyên. Ngoài ra, chúng ta cũng cần luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ ghi chép từ vựng mới bên mình để tranh thủ học khi rảnh rỗi. Hãy đặt cho mình mục tiêu mỗi ngày học vài từ tùy theo khả năng của mình và nhớ là ôn tập thường xuyên.
2. Về ngữ pháp: Chúng ta nên học các thì theo cách so sánh nét tương đồng, khác biệt. Các điểm ngữ pháp mấu chốt trong tiếng Anh thật ra không nhiều và quá khó. Các bạn có thể học các điểm ngữ pháp ở bất cứ cuốn sách học cơ bản nào, nhưng để có một kiến thức tổng quát, theo tôi, Grammar in Use có lẽ tốt nhất.
3. Về kỹ năng nghe: Đây là kỹ năng khó và hầu như ai cũng ngại kỹ năng này. Muốn nghe được Tiếng Anh, trước tiên phải có một nguồn từ vựng dồi dào, và quan trọng là phải phát âm chuẩn. Trước khi nghe, hãy suy nghĩ về đề tài đó để giúp bạn hình dung và phán đoán được những gì sắp nghe, nghe ý chính trước tiên để trả lời câu hỏi tổng quát, nghe những từ chính rồi đoán, không nhất thiết phải nghe ra từng từ từng từ một, sau đó nghe lại nhiều lần để biết được càng nhiều chi tiết càng tốt để có thể hoàn tất các câu hỏi trong bài. Tuyệt đối không xem trước nội dung bài khóa trước khi nghe (điều này các em học sinh hay mắc phải). Chỉ khi nghe xong rồi chúng ta mới vừa nghe vừa đọc bài để kiểm tra lại và học thêm từ mới cũng như tăng cường các cách diễn đạt hay có trong bài. Chúng ta nên bắt đầu với các hội thoại trong băng đĩa, và phim có phụ đề. Bạn có thể nghe các chương trình tiếng Anh trên đài, ti vi hoặc trên mạng Internet như BBC, VOA …Chúng ta đừng bao giờ mong muốn sẽ hiểu được 100% những gì mà người ta nói, cũng đừng cố gắng để dịch sang tiếng mẹ đẻ trong khi nghe, thay vào đó, chỉ nghe, nghĩ và hiểu bằng tiếng Anh, và chỉ nắm ý chính của đoạn văn hoặc đoạn hôi thoại.
4. Về kỹ năng nói: Các em học sinh thường hay ngại mỗi khi được gọi lên thực hiện hội thoại hay thảo luận về một vấn đề gì. Chúng ta nên vượt qua một trở ngại lớn nhất của bản thân- sự thiếu tự tin và ngại sai của mình. Chúng ta không nên ngại ngùng, rụt rè và sợ sai khi có cơ hội giao tiếp, tuy nhiên nói thế không có nghĩa là không cần để ý đến lỗi sai, vì nếu sai mà không sửa sẽ thành thói quen, sau này khi muốn sửa lại sẽ rất khó! Chúng ta có thể nghe những đoạn hội thoại mẫu trong các tình huống hàng ngày sau đó tiến hành luyện tập, nhắc lại. Đặc biệt trong lúc luyện nói, chúng ta không nên quá câu nệ về ngữ pháp, và không nên dịch từ tiếng mẹ đẻ sang, vì nó sẽ là rào cản để chúng ta có thể nói một cách tự nhiên và lưu loát.Chúng ta có thể tham gia khóa học giao tiếp, câu lạc bộ Tiếng Anh, vào các forum chat với người nước ngoài…, hãy nói chuyện với bạn bè, thầy cô, người nước ngoài bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt!
5. Về kỹ năng đọc: Việc đọc sách giúp giải trí , tăng khả năng đọc hiểu, mở mang kiến thức, và làm mình nhớ lại từ mới mình đã học. Chúng ta nên đọc sách báo bằng tiếng Anh, nhưng không nên chọn những loại quá khó, vì nếu đọc không được nhiều sẽ dễ làm ta nản chí. Đọc cái gì mình thích đọc -đừng bao giờ bắt ép mình đọc thứ mình không thích. Khi mới bắt đầu đọc, đừng cố gắng hiểu tất cả các từ vựng bạn gặp. Thay vào đó, chúng ta chỉ nên cố gắng nắm ý tổng quát của bài đọc, những từ vựng khác trong câu sẽ giúp ta hiểu được điều đó.
6. Về kỹ năng viết: Để luyện tập tốt nhất, hãy viết tiếng Anh hàng ngày như viết thư cho bạn bè hoặc chỉ là những lời nhắn đơn giản, hoặc viết nhật ký bằng tiếng Anh về những việc xảy ra trong ngày. Ngữ pháp rất quan trọng trong môn Writing. Để viết một đoạn văn hay, bên cạnh nội dung, ta cần phải nắm vững các quy tắc ngữ pháp và sử dụng chúng thật thành thạo, chú ý ko sai chính tả.
Tóm lại, để học tốt tiếng Anh, chúng ta nên luyện tập và sử dụng cũng như tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt. Mỗi ngày, bạn hãy đặt ra cho mình một khoảng thời gian nhất định (từ 30 phút đến 1 tiếng) để học tiếng Anh và duy trì lịch học như vậy đều đặn và thường xuyên. Chúng ta không nên quá tham vọng nhồi nhét lượng kiến thức trong một khoảng thời gian ngắn. Với phương châm “ Mưa dầm thấm lâu”, tôi tin rằng sau một thời gian kiên trì áp dụng những nguyên tắc trên, tiếng Anh của bạn sẽ tiến bộ một cách nhanh chóng và bạn sẽ thêm yêu cái thứ tiếng thú vị và rất cần thiết cho tương lai của bạn sau này.