Những người chưa đủ kỹ năng tiếng Anh để
áp dụng trong thực tế sẽ khó khăn hơn khi kiếm việc làm ở Đông Nam Á, sau khi
khối này mở cửa thị trường lao động vào cuối năm nay.
Tại một khu nghỉ mát sang trọng ở
Phuket, hòn đảo nam Thái Lan, Boblyn Pertible từ Philippines đang hoàn thành một
khóa thực tập cho bằng cử nhân quản lý khách sạn.
"Tôi đang tính sẽ xin việc ở nước
ngoài sau khi tốt nghiệp", cô nói với tiếng Anh thành thạo. "Sự xuất
hiện của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chắc chắn sẽ mở ra thêm nhiều cánh cửa
cơ hội cho tôi".
Thái Lan và 9 nước thành viên khác của
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tháng 12 dự kiến sẽ xây dựng một thị
trường thống nhất. Vốn, hàng hóa, dịch vụ và lao động tay nghề cao sẽ được
lưu chuyển tự do hơn. Người lao động trong 8 lĩnh vực: kỹ sư, y tá, bác sĩ, nha
sĩ, kiến trúc sư, điều tra viên, kế toán viên và các du lịch sẽ có thể di
chuyển qua biên giới các nước ASEAN để làm việc.
Thị trường mới này sẽ mở cửa với 600 triệu
người, gần gấp đôi dân số Mỹ. Nền kinh tế hợp nhất này sẽ lớn thứ 7 thế giới,
tương đương với Anh hay Brazil.
Kỹ năng ngôn ngữ sẽ rất quan trọng trong
thị trường thống nhất mới, đặc biệt là tiếng Anh, ngôn ngữ chung duy nhất trong
ASEAN. "Tiếng Anh sẽ là cách thức giao tiếp cực kỳ quan trọng trong
kinh doanh", Treenuch Phaichayonvichit của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái
Lan nhận định.
"Tuy nhiên, học sinh Thái Lan học
tiếng Anh khá kém. Điểm trung bình bài thi tiếng Anh toàn quốc luôn luôn dưới
50, đây rõ ràng là điểm không đạt dù có xét theo chuẩn gì chăng nữa".
"Kết quả của học sinh trong các bài
kiểm tra trình độ tiếng Anh quốc tế cũng kém hơn so với các nước khác trong khu
vực", Treenuch nói. Học sinh Thái Lan thường có điểm số thấp hơn so với
Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam và Myanmar trong cả hệ thống
kiểm tra Anh ngữ quốc tế và tiếng Anh là ngôn ngữ hai.
"Vật
lộn" với ngoại ngữ
Thái Lan đứng thứ 55 trong số 60 quốc
gia trong English Proficiency Index, bảng xếp hạng kỹ năng tiếng Anh của thế giới,
và là nước thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Học sinh Thái phải "vật
lộn" với tiếng Anh mặc dù đây là là môn học bắt buộc từ tiểu học đến trung
học và 20% GDP của Thái Lan đến từ ngành du lịch.
"Chương trình học ở Thái Lan quá nặng
về ngữ pháp", Sarah Wilson, một giáo viên người Anh dạy tại Thái Lan
trong hơn 10 năm, cho biết. "Các em chỉ muốn học để thi cử chứ không
phải là để trò chuyện và sử dụng tiếng Anh trong đời sống".
"Nhiều sinh viên gặp khó khăn ngay
cả với việc đặt câu". Krittapot Jiravat, một gia sư tiếng Anh nói. "Tất
cả những gì họ muốn là học tập để chuẩn bị cho các kỳ thi và kiểm tra, vì họ
nghĩ rằng họ chẳng còn mục đích nào khác ngoài việc đó".
"Khi đi làm, nhiều người phải học
thêm tiếng Anh vì đến khi đó họ mới nhận ra tiếng Anh quan trọng cho công việc
đến mức nào", Jiravat nói.
"Khi thị trường thống nhất của
ASEAN bắt đầu mở cửa, thị trường việc làm sẽ càng trở nên cạnh tranh hơn",
Treenuch nói. "Những người có kỹ năng tiếng Anh tốt hơn sẽ có lợi thế".
Người lao động giỏi tiếng Anh thường được
trả lương cao hơn 30-50% so với người có trình độ yếu hơn, theo Harvard
Business Review. Kỹ năng tiếng Anh cấp cao giúp người lao động tìm được
công việc tốt hơn và nâng cao mức sống.
"Chúng tôi đã thấy dòng chảy nhân
công có tay nghề cao từ các nước như Philippines đổ về Thái Lan. Họ đang thay
thế người Thái trong các công việc đòi hỏi tiếng Anh", ông Treenuch nói.
Khách sạn Regent Phuket Cape Panwa, nơi
95% khách là người nước ngoài, sẵn sàng tuyển dụng nhân viên từ tất cả các nước,
quản lý Witchuda Mas-o-sot cho biết. "Khả năng giao tiếp tiếng Anh là
kỹ năng quan trọng nhất phải có", bà Witchuda nói thêm.
Một cử nhân ngành quản lý khách sạn hiện
đang thất nghiệp bày tỏ lo ngại rằng anh ta sẽ càng khó tìm việc khi thị trường
thống nhất ASEAN mở cửa. Trong khi đó, những người khác như Boblyn, thực tập
sinh người Philippines, sẽ được hưởng lợi.
"Tôi nói tiếng Anh trôi chảy hơn
người Thái", cô nói. "Đó là lợi thế cạnh tranh của tôi".